Cách kiểm tra máy xe ô tô cũ, nhận biết xe bị bổ máy hay chưa?
Cách kiểm tra máy xe ô tô cũ
1. Kiểm tra nắp capo
Đây chính bộ phận bảo vệ hệ thống động cơ khi đặt ở khoang phía trước. Do đó, qua việc quan sát thật kỹ nắp capo cũng là cách kiểm tra xe oto cũ bị tai nạn hay không, xe đã từng va chạm làm ảnh hưởng đến động cơ hay không.
Trước tiên, hãy thử kiểm tra độ nặng của nắp capo khi nhấc lên. Nắp đúng chuẩn phải đảm bảo đủ cân nặng của nhà sản xuất quy định.
Tiếp đến kiểm tra các chi tiết bên trong của nắp capo. Nếu thấy chi tiết nào có vết sần sùi và không tương đồng với màu sơn chung thì rất có thể đã bị tháo ra hoặc thay mới. Tiếp tục kiểm tra đến các đường chì của nắp capo. Nắp còn nguyên “zin” sẽ có đường chì đều và độ đàn hồi bình thường. Thợ ngoài có thể làm nhái nhưng để làm giống y hệt các đường chì của nắp “zin” là điều không thể.
Các góc cạnh của nắp cũng cần được kiểm tra xem có bị gò hàn méo mó hay đã bị thay mới chưa, đặc biệt là phần chốt ở nắp capo. Với xe ô tô cũ sử dụng nhiều, nắp capo thường sẽ bị hoen gỉ. Nếu thấy mới thì có thể đã được thay mới.
2. Kiểm tra khoang máy
Điều đầu tiên cần quan sát là toàn bộ các chi tiết hệ thống khoang máy sau khi mở nắp capo. Nếu xuất hiện nhiều chi tiết mới hơn so với phần còn lại thì rất có thể hệ thống máy đã được “đụng tay”. Một cách nhận biết xe ô tô bị bổ máy dễ là xem các bu lông ốc vít có chỗ nào bị lờn, có dấu hiệu đã mở hay thay mới không.
Ở mỗi chi tiết của động cơ xe đều được nhà sản xuất đánh dấu bằng sơn màu. Làm giả những dấu sơn này không khó. Tuy nhiên vẫn khó thể giống hoàn toàn về độ mới cũ. Nếu tinh mắt người mua vẫn có thể phát hiện. Đây là cách đơn giản nhất đánh giá mức độ “zin” của máy xe.
Giữa các chi tiết của hệ thống máy sẽ có phần dây nối. Chúng cũng được đánh dấu bằng tem hoặc con dấu của hãng. Vì là xe cũ đã qua sử dụng nên phần dây này thường không còn mới. Nếu phát hiện thấy hệ thống dây dẫn còn quá mới và không tương đồng với nhau thì có thể đã bị thay đổi.
Kiểm tra xem các góc bên trong khoang máy có bị bóp méo gì không. Nếu xe từng bị đâm đụng nặng thì rất khó để có thể gò như mới nên chắc chắn sẽ để lại dấu vết.
Mặc dù nhiều người đánh giá mua xe ô tô bị bổ máy đôi khi cũng tốt bởi xe đã được sửa chữa, “trùng tu”. Tuy nhiên, nếu xe có hệ thống máy đã qua chỉnh sửa quá nhiều thì hiệu quả và độ bền sẽ không còn như trước.
Ngoài ra, cũng nên kiểm tra toàn bộ các chi tiết in ấn thương hiệu trên nắp động cơ có dấu hiệu gì bất thường không.
3. Lắng nghe tiếng đề xe
Lắng nghe tiếng đề máy sẽ giúp người mua phần nào phán đoán được tình trạng động cơ. Hãy nổ máy xe và đứng gần khoang máy để lắng nghe. Theo kinh nghiệm kiểm tra ô tô cũ, nếu tiếng máy nổ đều và êm tai thì có thể yên tâm vì đó là dấu hiệu cho biết động cơ vẫn hoạt động tốt. Ngược lại, nếu tiếng nổ máy to bất thường, kèm theo độ rung mạnh thì rất có thể động cơ đang gặp vấn đề.
4. Lắng nghe tiếng động cơ
Tiếng ồn khi động cơ hoạt động cũng là một thước đo tốt để đánh giá chất lượng máy xe. Để kiểm tra nên để động cơ hoạt động tầm vài phút (lưu ý là không sang số) và lắng nghe tiếng động cơ. Nếu máy chạy không êm, có những tiếng rít, tiếng rè hoặc các âm thanh lạ khác thì có thể là hệ thống máy móc đang có vấn đề.
Ngoài tiếng ồn, bạn cũng nên quan tâm đến các rung lắc bất thường của xe, đặc biệt là ở vô lăng xe. Nếu có rung lắc bất thường phát ra khi bật máy lạnh hết cỡ thì có nghĩa là máy xe chạy yếu. Còn những sang chấn tại vô lăng thì thường cần phải kiểm chứng thông qua việc lái thử.
5. Kiểm tra nhiệt độ động cơ
Một cách kiểm tra máy xe ô tô cũ hay đó là kiểm tra nhiệt độ động cơ. Đầu tiên hãy đề cho xe nổ máy khoảng 5 phút. Sau đó chạm tay vào các vị trí an toàn trên động cơ. Nếu sau 5 phút động cơ không quá nóng thì hệ thống động cơ – làm mát hoạt động bình thường. Ngược lại nếu nổ máy được khoảng 2 – 5 phút mà động cơ đã nóng rang, không thể chạm tay được thì chứng tỏ động cơ gặp vấn đề.
6. Lái thử xe
Lái thử sẽ giúp người mua cảm nhận rõ nhất tình trạng động cơ xe. Khi lái thử ô tô cũ nên cố gắng lái thử trên nhiều loại đường, loại địa hình nhất có thể như: đường phố đông đúc, đường trường hay cao tốc, đường xấu gồ ghề, đường dốc (có thể cho xe leo các dốc ở hầm giữ xe của những trung tâm thương mại)…
Nguyên nhân là bởi khi đi trong phố ở tốc độ trung bình, hệ thống máy xe có thể vận hành rất ổn định, chạy êm và mượt mà nhưng với các loại đường khác thì chưa chắc. Phải lái thử nhiều loại đường khác nhau mới có thể để xe dễ lộ điểm yếu.
Với đường trường sẽ thử được khả năng tăng tốc của xe. Nếu xe tăng tốc ì ạch thì rõ ràng động cơ đang gặp vấn đề hoặc sức mạnh không còn như trước. Với đường đèo nhất là dốc cao sẽ test được sức kéo của xe. Nếu xe leo dốc khó khăn, chứng tỏ động cơ xe đã mất dần độ dẻo dai.
Một số mẹo nhỏ trong cách xem máy xe ô tô cũ đó là khi lái thử xe hãy bật điều hoà ở công suất tối đa để tạo áp lực thêm cho hệ thống máy xe. Hãy thử đưa xe vào những tình huống lái khắc nghiệt hơn bình thường như ép hộp số, đạp thốc ga… để kiểm tra chính xác tình trạng hệ thống vận hành của xe.
7. Để ý đèn Check Engine
Đèn Check Engine là đèn báo lỗi động cơ. Nếu đèn này phát sáng nghĩa là động cơ xe đang bị lỗi gì đó. Trong quá trình kiểm tra xe cũ nếu thấy đèn Check Engine bật sáng thì tốt nhất nên kiểm tra kỹ.
8. Kiểm tra hơi thừa
Với các dòng xe máy dầu, việc kiểm tra hơi thừa sẽ dễ dàng hơn. Bởi máy thường chạy mạnh, luồng hơi thừa nhiều nên dễ cảm nhận. Để kiểm tra hơi thừa chỉ cần để máy chạy, mở nắp dầu động cơ và đặt tay lên miệng nắp. Nếu thấy hơi đẩy lên tay không có vương các luồng khói đen thì có nghĩa là máy xe vẫn ổn.
9. Quan sát ống xả
Một số xe ô tô cũ có động cơ “rệu rã” thường phát ra tia lửa ở ống pô. Bugi đánh lửa không đốt cháy hết nhiên liệu hoặc nhiên liệu được bơm quá nhiều vào buồng nổ sẽ khiến xe xuất hiện tình trạng lửa phụt ra từ ống nổ của xe. Bên cạnh đó, hệ thống điện, cảm biến động cơ, cảm biến khí xả bị hư hỏng cũng sẽ gây ra hiện tượng trên. Do đó, nếu thấy lửa phụt ra từ ống pô của xe nên kiểm tra bugi, hệ thống khí xả, hệ thống điện và cảm biến động cơ của xe.
Ngoài ra, cũng cần quan sát màu khí xả. Với xe động cơ Diesel, nếu thấy khí xả có màu đen, nâu sẫm, xanh nhạt, trắng… thì động cơ đang có vấn đề, còn màu nâu nhạt là động cơ đang hoạt động tốt. Với xe động cơ xăng, khí xả màu trắng, màu xanh đen/đen… cũng là các dấu hiệu cho biết động cơ đang gặp vấn đề. Khí xả không màu hoặc màu xanh nhạt là động cơ làm việc tốt.
Nguồn: Internet