Đánh giá Mercedes-Benz EQS – món đồ chơi chạy điện gần 6 tỷ đồng
Cuối tháng 10/2022, Mercedes-Benz EQS lần đầu xuất hiện tại Việt Nam và là tâm điểm của gian trưng bày Mercedes. Cũng tại VMS 2022, Mercedes-Benz EQS cùng với Honda Civic Type-R chia nhau vị trí dẫn đầu trong bình chọn “The Best Car” do Zing News tổ chức, tham gia bình chọn là những nhà báo, vlogger trong lĩnh vực ôtô xe máy.
Cuối tháng 12/2022, phóng viên có dịp trải nghiệm mẫu xe này trong điều kiện vận hành thực tế tại Việt Nam. Những chia sẻ dưới đây sẽ cung cấp cho độc giả quan tâm tới mẫu xe điện hạng sang của Mercedes nói riêng cũng như xu hướng xe điện tại Việt Nam nói riêng một góc nhìn khác.
Chiếc xe tôi trải nghiệm là EQS 580 4MATIC, dẫn động 4 bánh toàn thời gian, mạnh 523 mã lực và có giá gần 6 tỷ đồng tại Việt Nam.
Ngoại thất và nội thất
Mercedes-Benz EQS không phải là chiếc xe mang thiết kế bên ngoài quá bắt mắt. Xe mang nhiều đường nét của những chiếc sedan Mercedes đương đại, được làm cong và mềm mại hơn để có được hiệu ứng khí động học nhất nhằm tiết kiệm nhiên liệu. Đầu xe, cụm đèn xe và cả đuôi xe đều được bo tròn lại, nhìn chung không tạo hiệu ứng thị giác đặc biệt nào khi so với đối thủ hay so với chính những mẫu xe sang của Mercedes.
Có thể Mercedes-Benz chọn thiết kế “quả trứng” không quá nổi bật cho EQS để người dùng tập trung hơn vào công nghệ pin và động cơ điện trên xe, đồng thời cũng là màn chào hàng của hãng xe Đức với thế giới xe điện, trước khi tung ra hàng loạt các sản phẩm khác có khả năng vận hành tương đương nhưng đẹp mắt hơn và mang tính cạnh tranh nhiều hơn.
Thứ ấn tượng nhất trên EQS có lẽ là cụm la-zăng đủ sang trọng. Các tay nắm cửa được thiết kế chìm để tối ưu khi động học và khiến xe trông hiện đại hơn, khi cần sử dụng chỉ cần vuốt nhẹ và tay nắm sẽ nhô ra ngoài. Camera trước được gắn phẳng và chìm vào logo trước, camera sau cũng được giấu dưới logo phía đuôi xe, chỉ lật ra khi người lái kích hoạt camera 360 hoặc lùi xe.
Bên trong xe là một không gian ấn tượng hơn nếu so với phần ngoại thất. Đây là điều không quá khó hiểu, bởi kiểu thiết kế nội thất này sẽ được sử dụng trên nhiều mẫu xe khác của Mercedes-Benz, giống như cách làm trước đây của hãng xe Đức. Khoang lái ấn tượng bởi 3 màn hình trải dài hết bề ngang của xe. Chiếc ở giữa rộng 17,7 inch, đồng hồ kỹ thuật số phía trước người lái và màn hình hiển thị thông tin trước ghế phụ đều rộng 12,3 inch.
Cụm màn hình này gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác, mang lại cảm giác hiện đại và sự khác biệt với mọi mẫu xe động cơ đốt trong khác của Mercedes. Sử dụng thực tế, cụm màn hình trên vẫn rất đẹp nhưng không phải là dễ sử dụng, khi nó khiến người lái khá phân tâm và quá nhiều màn hình khiến người trong xe còn dễ cảm thấy mệt mỏi khi di chuyển đường dài. Có lẽ cụm màn hình này sẽ phát huy tối đa tác dụng khi công nghệ tự lái dần phát triển và phổ cập. Trở về với hiện tại, thao tác trên màn hình trung tâm rất rộng và cảm ứng nhạy lấy đi của tài xế sự tập trung.
Hàng ghế sau có chỗ để chân đủ rộng và thoải mái, dù sàn xe hơi cao vì phải mang theo cụm pin rất lớn. Một lần nữa Mercedes-Benz không cố gắng trang bị cho không gian hàng ghế sau những gì tốt nhất giống như S-Class, dù EQS được định vị là sedan điện đầu bảng. Sự sang trọng trên EQS ở mức đủ chứ không vượt trội giống như những gì S-Class mang lại, cũng có thể là cách hãng xe Đức định vị khách hàng mục tiêu và đồng thời muốn dồn sự quan tâm về công nghệ điện trên chiếc xe.
Dù không quá sang trọng, ghế da đủ êm ái và hệ thống massage ở mọi ghế ngồi mang lại cho người trên xe một trải nghiệm mang tính thoải mái, thư giãn nhất trên xe. Trở lại với hàng ghế sau, một số trang bị được đưa vào nhằm tăng độ thoải mái như âm thanh thiên nhiên hay màn hình giải trí với các hình ảnh chuyển động được giới thiệu là thư giãn trong hành trình. Thực tế trải nghiệm cho thấy có vẻ nó không phù hợp với người Việt, tôi và những người đồng hành đều cảm thấy mệt mỏi và say xe nhiều hơn là thư giãn khi dùng thử tính năng này trên đường.
Để thư giãn trên một chiếc xe Mercedes-Benz, lại còn là xe điện, không cần phải có quá nhiều thứ rườm rà rắc rối như vậy. EQS cách âm rất tốt, và động cơ điện không phát ra tiếng ồn khi vận hành, âm thanh gây ồn to nhất chỉ có tiếng quạt gió của hệ thống điều hòa. Vì vậy khi cần thư giãn, tôi chỉ cần mở nhạc là quá đủ, nhạc sôi động hay du dương đều không làm khó được hệ thống âm thanh Burmester, đặc biệt khi nó không bị làm phiền bởi tiếng ồn động cơ.
Tóm lại Mercedes-Benz EQS không quá sang trọng như S-Class nhưng vẫn đủ khiến chủ nhân và những người bên trong xe cảm thấy “sướng” vì tính công nghệ và sự thoải mái mà chiếc xe mang lại, đặc biệt là khi nó không di chuyển.
Vận hành
Tôi đã từng cầm lái nhiều mẫu xe điện tại Việt Nam, vì thế việc trải nghiệm Mercedes-Benz EQS không nhằm tìm ra sự khác biệt hay mới lạ của xe điện so với xe động cơ đốt trong, mà là để hiểu thêm về cách Mercedes-Benz xử lý một công nghệ vận hành được cho là dành cho 5-10 năm tới.
Mercedes-Benz EQS là một chiếc xe giàu công nghệ, nó cho phép người lái điều chỉnh rất nhiều thứ từ hệ thống treo cho tới khả năng vận hành của động cơ điện cho phù hợp với điều kiện giao thông và mục đích sử dụng. Để đơn giản hóa, tôi sẽ nói về 3 chế độ tái tạo năng lượng mà người lái xe điện sẽ quan tâm nhất. Tôi kích hoạt chế độ EQ, lúc này việc chuyển các cấp độ tái tạo năng lượng sẽ được thực hiện ngay trên lẫy chuyển số đặt phía sau vô lăng.
Ở chế độ trung bình, chiếc xe sẽ hãm phanh động cơ ở mức vừa phải, người lái sẽ cần đệm thêm phanh nếu như muốn xe giảm tốc nhiều hơn hoặc dừng lại hẳn. Gẩy 1 lẫy chuyển số bên tay trái, chế độ tái tạo nhiều hơn sẽ kích hoạt. Lúc này chiếc xe sẽ hãm tốc mạnh hơn mỗi khi người lái nhả chân ga, gần như tôi không cần sử dụng tới bàn đạp phanh. Đây là 2 chế độ tiêu biểu của tất cả những chiếc xe điện, và có lẽ sẽ là thứ mọi người đều muốn thử khi chạy xe điện, nhưng việc hệ thống hãm động cơ nhằm tái tạo liên tục hoạt động đồng nghĩa với việc chiếc xe gần như sẽ phanh liên tục mỗi khi tôi buông chân ga, khiến việc vận hành dễ làm người trên xe thấy mệt mỏi.
Chế độ tái tạo năng lượng cuối cùng khiến EQS giống với một chiếc xe xăng nhất, nó vẫn trôi đi khi tôi buông chân ga, và chỉ bắt đầu giảm tốc khi tôi đạp phanh. Chế độ này có lẽ sẽ được sử dụng nhiều nhất nếu tôi là ông chủ ngồi ở hàng ghế sau, bởi nó khiến tôi cảm thấy thoải mái nhất, dù nó sẽ không còn giống một chiếc xe điện nữa, ít nhất là ở khả năng tái tạo năng lượng.
Ngoài việc vận hành rất yên tĩnh, EQS còn có hệ thống treo êm ái theo phong cách rất S-Class, đủ để người trên xe cảm thấy được sự sang trọng. Dù là bản 580 4MATIC với sức mạnh 523 mã lực cùng sức kéo 855 Nm, EQS vẫn có thể vận hành một cách điềm đạm theo phong cách “ông chủ”.
Tất nhiên chiếc xe điện không chỉ có êm ái, khi sức mạnh của nó có thể nói là ngang ngửa với siêu xe, đặc biệt ở khả năng tăng tốc. Tôi thử đạp hết chân ga ở đoạn đường vắng, và khả năng tăng tốc của EQS có thể khiến chiếc xe vượt qua con số 100 km/h chỉ trong tích tắc, gây sốc tất cả những người trên xe, kể cả người cầm vô-lăng.
Khả năng tăng tốc tức thời của xe điện luôn làm tôi cảm thấy “ngợp” và EQS không phải là ngoại lệ. Trên thông số kỹ thuật, EQS 580 4MATIC có thể tăng tốc 0-100 km/h trong 4,3 giây, thực tế trải nghiệm còn ấn tượng hơn khi mỗi cú đạp ga của xe điện là một lần dính ghế ngay lập tức mà không cho người lái bất kỳ độ trễ hay sự chuẩn bị nào.
Sở hữu chiều dài hơn 5 m, dài hơn cả Porsche Taycan và Audi e-tron GT, Mercedes-Benz EQS vẫn có thể vận hành rất lanh và chuẩn xác nhờ hệ thống đánh lái bánh sau. Nhìn chung khả năng vận hành của EQS đủ để thuyết phục những người khó tính. Cá nhân tôi vẫn thích khả năng tăng tốc của những chiếc xe thể thao dùng động cơ đốt trong hơn là xe điện như EQS, bởi cảm xúc và âm thanh mang lại mỗi lần đạp ga vẫn hơn là cảm giác nhanh mạnh nhưng “giật mình” của ôtô điện.
Tranh cãi quanh quãng đường di chuyển
Trong thông số kỹ thuật, EQS 580 4MATIC có thể di chuyển được 581-692 km trong một lần sạc đầy, còn EQS 450+ với công suất yếu hơn và dẫn động cầu sau có con số ấn tượng hơn: 625- 783 km. Tại Việt Nam, Mercedes-Benz thử nghiệm và công bố con số 850 km cho 1 lần sạc đối với EQS 450+.
Con số gây tranh cãi trên có được nhờ việc vận hành “điềm đạm” trong điều kiện tốc độ tại Việt Nam và trong nhiệt độ phù hợp (khoảng 20 độ C), vận tốc trung bình khoảng 60 km/h. Trong khi đó, thử nghiệm tại Đức được vận hành ở nhiều dải tốc độ, có cả 100-200 km/h, dải tốc độ cao vẫn là điểm yếu của xe điện khi nó khiến xe tốn nhiều năng lượng và cạn pin nhanh hơn.
Những con số trên cũng mang ý nghĩa tham khảo bổ ích, có thể hiểu là dù có chạy với kiểu vận hành “phóng nhanh phanh gấp” thế nào đi nữa, một chiếc EQS cũng có thể đạt quãng đường di chuyển khoảng 600 km trước khi cần tái nạp.
Thực tế trải nghiệm cho thấy EQS tụt pin chậm hơn nhiều nếu so với VinFast e34, VF 8, Hyundai Ioniq 5 hay Porsche Taycan. Chiếc xe không gặp khó khăn nào trong hành trình hơn 300 km, đủ để người lái cảm thấy tự tin khi vận hành ngoài thành phố.
Tất nhiên đối với xe điện, việc tính toán trước điểm đến là rất quan trọng, bởi nếu điểm đến không có chỗ sạc pin phù hợp, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian. Với ổ điện gia đình thông thường, chiếc xe cần hơn 1 ngày để sạc đầy, quãng thời gian không hề dễ chịu chút nào.
Nếu lên kế hoạch tốt và chuẩn bị nguồn điện 3 pha, chiếc xe có thể sạc đầy trong khoảng 10 tiếng, tức là ngủ qua đêm và hôm sau có đủ pin cho một hành trình mới. Nếu có sẵn trạm sạc của Mercedes-Benz hay của nhà cung cấp khác, có lẽ EQS có thể đi tới mọi nơi mà không phải đắn đo nhiều.
Nói thêm về hệ thống pin, Mercedes-Benz EQS có thể vận hành với đầy đủ công suất dù pin còn 1%. Điều này có thể hiểu là hãng xe Đức đã thiết kế riêng phần pin dự phòng đủ lớn để chiếc xe có thể vận hành khi cạn pin trên thông báo mà không bị giảm công suất vận hành, đồng thời cũng hạn chế tình trạng cạn pin có thể ảnh hưởng tới tuổi thọ của xe. Đây là cách làm khá thông minh mà nhiều hãng xe điện đang áp dụng, dù cho chiếc xe sẽ nặng hơn do phải gánh khối lượng pin lớn.
Kết luận
Nhìn chung Mercedes-Benz EQS với mức giá 5-6 tỷ đồng chắc chắn không phải là chiếc xe điện dành cho mọi người. Đây vẫn là thứ đồ chơi, nhưng có tính ứng dụng khá cao.
Xe hướng đến những người có điều kiện về kinh tế và muốn sở hữu một mẫu ôtô xu hướng của tương lai. Khả năng vận hành của EQS đáp ứng tốt các nhu cầu sử dụng và có thể dùng làm chiếc xe sử dụng hàng ngày, đây là điểm cộng của EQS nếu so với một số mẫu xe điện hạng sang khác đã có mặt tại Việt Nam.
Thiết kế của EQS không quá nội trội trong gia đình Mercedes-EQ, và không ít người đã sẵn sàng cho màn xuất hiện của EQS bản SUV hay EQE để xuống tiền. Cuộc đua xe điện tại Việt Nam có vẻ như đã bắt đầu.
Nguồn: Internet