|

Đổ xăng vào xe chạy dầu – nhầm lẫn ‘đốt’ hàng trăm triệu đồng

Xử lý không đúng cách khi bơm nhầm xăng vào xe chạy dầu có thể khiến chủ xe thiệt hại lên đến hàng trăm triệu.

Thanh Ngọc (TP.HCM) cho bạn mượn chiếc Hyundai Santa Fe máy dầu nhưng người bạn lại bơm nhầm nhiên liệu xăng. Khi thấy xe khó nổ máy sau khi bơm xăng xong, người bạn mới vỡ lẽ xe dùng diesel. Xe phải súc rửa bình nhiên liệu, may mắn lốc máy không bị thiệt hại vì xe không nổ máy chạy nhiều sau khi sự việc xảy ra.

Nếu việc xe xăng bơm nhầm dầu khá hiếm gặp vì vòi dầu thường to hơn so với lỗ bình xăng, ở chiều ngược lại, xe chạy dầu đổ nhầm xăng dễ xảy ra hơn. Việc xe xăng đổ nhầm dầu hay xe dầu nhầm xăng cho hậu quả rất khác nhau.

Nắp bình nhiều liệu một dòng xe chạy diesel. Ảnh: Đức Huy

Nắp bình nhiên liệu một dòng xe chạy diesel. Ảnh: Đức Huy

Anh Long Nguyễn, chủ cơ sở dịch vụ xe CCMFast (TP HCM) cho biết nếu bơm nhầm diesel vào xe chạy xăng sẽ không gây hậu quả quá nghiêm trọng. Anh Long lý giải động cơ xăng có tỉ số nén thấp hơn rất nhiều so với động cơ diesel, và điểm khác biệt khác là đánh lửa chu kỳ nổ bằng bugi. Do đó, khi xăng bị pha lẫn diesel thì đơn thuần động cơ sẽ khó nổ. Đôi khi sẽ không nổ được máy. Dẫn đến hư hại gần như rất ít. Tuy nhiên, một số trường hợp nếu tỉ lệ diesel quá cao thì hệ bơm nhiên liệu và kim phun nhiên liệu có thể bị nghẹt, khiến động cơ không nổ máy được.

Ngược lại, nếu bơm nhầm xăng vào xe sử dụng diesel thì hậu quả khá nghiêm trọng. Lúc này, hỗn hợp nhiên liệu bị pha lẫn xăng, dẫn đến thay đổi đặc tính tự kích nổ (hỗn hợp nhiên liệu diesel- xăng sẽ dễ bị kích nổ dưới áp suất cao).

Anh Long phân tích: “Sự thay đổi đặc tính kích nổ này sẽ làm cho hệ máy tính điều khiển động cơ (ECU) mất khả năng điều khiển chính xác. Dẫn đến động cơ có chu kỳ nổ mất kiểm soát”.

Vì chu kỳ nổ bị mất kiểm soát nên các bộ phận như piston, bạc piston, tay biên, bạc lót trục khuỷu, trục khuỷu, thành xi-lanh, xupap đều bị hư hại. Ngoài ra vì xăng không có đặc tính bôi trơn như diesel nên các chi tiết liên quan đến hệ bơm nhiên liệu cao áp, kim phun nhiên liệu cao áp cũng có thể hư hại. Như vậy, mức độ thiệt hại là khoảng 90% động cơ.

Một động cơ được tháo rời để sửa chữa. Ảnh: Long Nguyễn

Một động cơ được tháo rời để sửa chữa. Ảnh: Long Nguyễn

Trong bất kỳ trường hợp bơm nhầm xăng hoặc dầu nào, các chuyên gia kỹ thuật khuyên tài xế không nên nổ máy, thay vào đó gọi cho xe cứu hộ để vận chuyển xe đến nơi sửa chữa. Mức giá sửa chữa tùy thuộc vào mức độ hư hại của xe.

Với những hư hỏng lớn, động cơ xe bị hư hại cần được tháo rời khỏi khung xe (rã/hạ máy) để kiểm tra. Anh Long cho rằng sửa chữa một động cơ bị hư hại do bơm nhầm nhiên liệu, các chi tiết bị hư hại như piston, trục khuỷu, bạc lót… bắt buộc phải thi công theo hướng dẫn của hãng sản xuất. Mỗi hãng đều có những thông số về các chi tiết máy (chính xác đến +/- 0,01 mm), đảm bảo được các thông số này thì động cơ sau khi sửa chữa sẽ như nguyên bản. Vấn đề này phụ thuộc vào chất lượng phụ tùng thay thế và chất lượng gia công cơ khí chính xác.

Liên quan:

Có một số hư hại nhiều đến mức chi phí sửa chữa khiến chủ xe phải cân nhắc phương án mua động cơ mới. Giá một động cơ dầu 4 máy mới chính hãng khoảng 150-250 triệu đồng cho xe phổ thông cấp thấp. Những động cơ cao cấp hơn, dung tích to hơn thì giá khoảng 500-600 triệu đồng.

Các cách nhận biết ôtô chạy xăng hay dầu khi lái xe lạ:

– Liên hệ với chủ xe để hỏi kỹ về vấn đề nhiên liệu

– Xem thông tin loại nguyên liệu sử dụng trong sổ đăng kiểm, thông thường sổ đăng kiểm sẽ được chủ xe cất trong hộc chứa đồ phía bên phụ.

– Kiểm tra loại nhiên liệu trong nắp đậy bình nhiên liệu, một số nhà sản xuất sẽ ghi rõ loại nhiên liệu tại vị trí này.

– Kiểm tra đồng đồ vòng tua máy, động cơ diesel thường có số vòng tua tối đa khoảng 6.000 vòng/phút, máy xăng cao hơn, khoảng 8.000 vòng/phút.

 

Nguồn: Internet

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *