Nhân viên garage tự ý lái xe của khách đi nhậu, có thể bị phạt 7 năm tù
“Tôi mang ô tô đến một gara trên đường Tố Hữu – Lê Văn Lương để sửa, ông chủ hẹn 4 ngày sau đến nhận xe. Tới ngày hẹn, tôi khá bất ngờ vì xe bẩn từ trong ra ngoài, xăng vơi đi rất nhiều…”
Khi kiểm tra camera hành trình thì mới biết nhân viên ở đây đã tự ý lấy xe của tôi sử dụng trong mấy ngày qua. Cụ thể, họ dùng xe của tôi để di chuyển đi ăn uống hát hò ở những nơi rất xa, thậm chí còn có biểu hiện lái xe trong trạng thái say rượu, bia.
Nếu chẳng may họ gây tai nạn, vi phạm giao thông bị phạt nguội, hoặc để chở hàng cấm… thì chắc chắn chủ xe là tôi không thể tránh khỏi liên đới trách nhiệm. Bằng chứng tôi đã có qua dữ liệu camera hành trình, vậy tôi có thể trình báo cơ quan chức năng đề nghị xử phạt họ được không?
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội trả lời:
Không ít các vụ việc nhân viên tại các gara bảo dưỡng xe tự ý sử dụng, thay đổi phụ tùng xe,… khi chưa được sự đồng ý của chủ xe đã khiến cho nhiều người bức xúc.
Nguyên nhân của những hành vi này có thể bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết pháp luật và nghĩ rằng, việc bản thân dùng xe khách hàng sẽ không biết. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đã quy định rất cụ thể về hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác.
Mặc dù Bộ luật hình sự không giải thích cụ thể thế nào là sử dụng trái phép tài sản, nhưng có thể hiểu đây là hành vi sử dụng tài sản của chủ sở hữu khi chưa được sự đồng ý nhằm mục đích khai thác lợi ích tài sản một cách trái phép.
Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm mà người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp này đối với loại tài sản có giá trị như ô tô (lớn hơn 100 triệu triệu đồng) thì những người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sử dụng trái phép tài sản theo quy định tại Điều 177 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền với mức thấp nhất là 10.000.000 đồng, cao nhất là 100.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 02 năm, phạt tù lên đến 07 năm tù. Ngoài ra, những người nhân viên này còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Do vậy, trong trường vụ việc trên, chủ xe ô tô có thể làm đơn tố giác tội phạm đến cơ quan có thẩm quyền về hành vi có dấu hiệu của tội Sử dụng trái phép tài sản của các nhân viên cửa hàng sửa xe.
Bên cạnh đó, người vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, nếu chủ xe có yêu cầu bồi thường thiệt hại và chứng minh được thiệt hại đó.
Nguồn: internet