|

Nhiều sinh viên mới ra trường chạy shipper không theo nghề, 36% shipper có trình độ cao

– Theo một báo cáo mới công bố, có 36,6% người giao hàng công nghệ (shipper) có trình độ cao, con số này ở nhóm lái xe công nghệ, giúp việc gia đình lần lượt là 20,65% và 11,36%. Các con số trên khiến cho nhiều người “giật mình”…

Đó là con số nổi bật trong báo cáo được Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) công bố vừa qua. 

36,6% shipper có trình độ cao

Báo cáo khảo sát trên 270 người nêu rõ chủ yếu lái xe và giao hàng công nghệ là nam giới (97,3%), trong khi giúp việc gia đình chủ yếu là nữ với gần 98%. Phần lớn trong số họ là người trẻ, đầu trung niên (22 – 44 tuổi). Nhiều người trong đó đã có gia đình. 

Đặc biệt, báo cáo cho biết có 36,6% giao hàng công nghệ (shipper) có trình độ cao, con số này ở nhóm lái xe công nghệ, giúp việc gia đình lần lượt là 20,65% và 11,36%. 

Bên cạnh đó, nhà cung ứng dịch vụ tài xế công nghệ có chiết khấu cao, chưa ký hợp đồng lao động khiến nhiều tài xế gặp thiệt thòi khi gặp rủi ro tai nạn, lạm dụng, quấy rối, cướp giật… 

Sinh viên chạy shipper để kiếm tiền học liên thông, từ bỏ đam mê nghề vì thiếu kinh nghiệm

Là một shipper công nghệ, Phạm Chiến (24 tuổi, Hà Nội) chia sẻ dù tốt nghiệp Cao đẳng nghề Bách khoa song anh lại chọn giao hàng qua ứng dụng. Với mức thu nhập từ 300.000 – 400.000 đồng/ngày từ chở khách và ship hàng, đủ để Chiến trả tiền trọ, ăn uống, sửa xe và nuôi ước mơ học liên thông đại học. 

Chiến kể ban đầu thích học sửa chữa ô tô vì mê công nghệ, nghĩ nghề này lương cao, nhưng thu nhập của sinh viên mới ra trường ở gara chỉ khoảng 5 – 6 triệu đồng/tháng. Để nhận lương hậu hĩnh hơn, anh phải có bằng kỹ sư, có 4 – 5 năm kinh nghiệm. 

Muốn có tiền học tiếp và chi trả sinh hoạt phí đắt đỏ ở thủ đô, Chiến chọn làm shipper công nghệ, thời gian rảnh xin làm thêm ở một xưởng nhỏ để tích lũy kinh nghiệm.

Trường hợp tương tự, anh Tuấn Anh (23 tuổi, sinh viên mới tốt nghiệp, quê Quảng Ninh) chia sẻ nhiều bạn học xong đại học vẫn chạy xe ôm, ship hàng công nghệ. 

“Thu nhập của sinh viên mới ra trường từ 6 – 8 triệu đồng/tháng, muốn hưởng cao hơn thì phải có nhiều năm kinh nghiệm. Trong khi đó, nếu chở khách và ship hàng online thì thu nhập tốt. Nếu mình làm 8 tiếng, trung bình kiếm khoảng 350.000 – 500.000 đồng/ngày, tùy từng hôm và tip thêm của khách”, Tuấn Anh chia sẻ. 

Tuấn Anh bộc bạch vì lập gia đình sớm nên để trang trải cho cuộc sống, anh phải chọn chạy xe công nghệ. “Mình chỉ coi đây là công việc tạm thời. Mình muốn tìm công việc văn phòng như sales, quảng cáo… để tiếp tục nuôi ước mơ học lên thạc sĩ”, Tuấn Anh nói. 

Xu hướng tất yếu, càng ngày càng tăng

Theo bà Lê Thu Huyền – nghiên cứu viên của Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), xu hướng chọn việc làm gig (tạm dịch là tự do) như lái xe hoặc shipper công nghệ, YouTuber, blogger càng nhiều hơn do thời gian linh hoạt, thu nhập cao, sức lao động đi đôi với thu nhập.

Tuy nhiên, bà Huyền cho biết với giờ làm việc nhiều hơn 8 tiếng/ngày, thậm chí có người là 12 tiếng/ngày thì thời gian tái tạo sức lao động giảm sút. 

Bên cạnh đó, có gần 80% người lao động không có hợp đồng lao động trong khi chỉ có 2% có hợp đồng làm dấy lên vấn đề đảm bảo quyền lợi lao động và an sinh xã hội.

“Đó là vấn đề của Chính phủ khi đảm bảo hợp đồng lao động, an sinh xã hội. Những người lao động gig đều mong muốn được bảo vệ trước những rủi ro không mong muốn như sức khỏe, tai nạn lao động…”, bà Lê Thu Huyền cho hay.

Cũng theo bà Lê Thu Huyền, những người như tài xế hay shipper công nghệ cần được pháp luật bảo vệ tiền lương, thu nhập, quyền tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, quyền nghỉ ngơi… 

Để làm được, ngoài nghiên cứu chính sách phù hợp, cơ quan chuyên môn cần nâng cao trách nhiệm đảm bảo chế độ, ký hợp đồng, phúc lợi của các nhà cung cấp nền tảng số.

Còn TS Vũ Minh Tiến, viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, cho hay theo một báo cáo cuối năm 2021 tại một công ty cung ứng dịch vụ gọi xe, thu nhập tài xế xe máy chỉ là 7 triệu đồng/tháng (tổng 200.000 người). Không những vậy, đa số lái xe, shipper công nghệ không tham gia bảo hiểm xã hội. 

Theo TS Vũ Minh Tiến, lựa chọn nghề lương cao là quyền chính đáng của người lao động và đây là xu hướng hiện nay. 

Ông Tiến cho rằng để bảo vệ quyền lợi cho các tài xế thì cơ quan chuyên môn cần sớm nghiên cứu, hướng dẫn chính sách khuyến khích các công ty công nghệ như Grab, Be, Gojek hỗ trợ lái xe, shipper tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, có thể qua chính phần mềm quản lý tài xế.

Từ kinh nghiệm quốc tế, ông André Gama – chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) – cho biết ở Anh, tài xế công nghệ được Công ty Uber khai báo thông tin, coi là lao động có trả lương, được đóng bảo hiểm. Ông André Gama khuyến nghị Nhà nước cần đầu tư cho bảo trợ xã hội, hỗ trợ bảo hiểm cho người lao động và coi đó là khoản đầu tư lâu dài, để giảm thiệt hại do cú sốc sức khỏe, mất việc làm… 

Nguồn: internet

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *