Những nghĩa địa xe ô tô điện tại Trung Quốc
Những chiếc ô tô điện nằm chất đống được bắt gặp trên những khu đất bỏ hoang ở ngoại ô thành phố Hàng Châu, Trung Quốc.
Tại Hàng Châu và một số thành phố khác ở Trung Quốc, nhiều bãi đất bỏ hoang chứa số lượng lớn xe ô tô điện giữa cây cỏ, rác rưởi vẫn chưa được xử lý.
Những cảnh tượng này gợi nhớ lại sự việc vào năm 2018 khi hàng nghìn chiếc xe đạp bị bỏ không, sau khi xu hướng chia sẻ xe đạp thoái trào và các startup trong lĩnh vực này lần lượt tuyên bố phá sản.
Lần này, số ô tô bị bỏ rơi được cho là của các hãng xe công nghệ thất bại trong việc sản xuất hoặc bị đào thải khỏi dây chuyền sản xuất do lỗi thời.
Khoảng một thập kỷ trước, với việc nhận được các khoản trợ cấp của chính phủ, hàng trăm nhà sản xuất ô tô trên khắp Trung Quốc đã lấn sân sang sản xuất ô tô điện. Họ đã tạo ra một số lượng lớn xe điện trong giai đoạn đầu để chạy theo xu hướng thị trường bấy giờ.
Những sản phẩm này ban đầu có thể chỉ chạy được khoảng 100 km mỗi lần sạc. Xe chủ yếu được các công ty dịch vụ mua về để phục vụ mục đích thương mại.
Mục tiêu khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu đã tạo tiền đề để Trung Quốc phát triển ngành công nghiệp xe điện tăng trưởng mạnh mẽ. Đất nước tỷ dân hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về xe xanh, chiếm 60% số xe điện hiện tại của thế giới.
Nhưng sự phát triển nhanh chóng kéo theo nhiều hệ lụy. Nhiều công ty tiên phong sử dụng dòng xe xanh hiện đã biến mất. Lúc này, chỉ có khoảng 100 hãng sản xuất ô tô điện tại Trung Quốc, giảm mạnh so với con số 500 vào năm 2019.
Các nghĩa địa xe điện như một hậu quả tất yếu của quá trình phát triển thần tốc đó. Việc loại bỏ số lượng lớn xe bỏ hoang mất nhiều thời gian cũng như gây thiệt hại đáng kể đến với môi trường. Bên cạnh đó, mỹ quan đô thị cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi tình trạng “nghĩa địa xe điện” xuất hiện ngày càng nhiều.
Quy trình xử lý pin xe điện sau khi hết hạn sử dụng cũng là một vấn đề lớn với ngành công nghiệp ôtô cũng như các lĩnh vực liên quan. Một hệ thống pin lithium trên xe ôtô điện chứa hàng nghìn tế bào Li-ion hoạt động cùng nhau, tương ứng hàng nghìn chiếc pin nhỏ lẻ hợp lại. Do đó, chỉ trong vòng 10 năm tới, sẽ có hàng tỷ pin Lithium hết hạn sử dụng.
Trước khi hãng xe Tesla cập bến và bắt đầu sản xuất xe điện tại nhà máy ở Thượng Hải vào đầu 2020, phần lớn xe điện xuất xưởng ở Trung Quốc đều là xe cỡ nhỏ và chất lượng thấp. Những sản phẩm này chỉ phù hợp với nhu cầu của một bộ phận khách hàng nhất định, và phần lớn người dùng vẫn tìm mua xe động cơ đốt trong, với ngoại hình thường bắt mắt và khả năng vận hành ổn định.
Để thúc đẩy quá trình điện khí hóa, vào cuối những năm 2000, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu đưa ra các chính sách hỗ trợ lên tới 60.000 nhân dân tệ (8.400 USD) cho mỗi phương tiện và thiết lập hành lang pháp lý chặt chẽ đối với quyền sở hữu ô tô chạy xăng ở một số thành phố lớn.
Các hãng sản xuất nhận thấy tiềm năng và tiến hành đầu tư vào các startup gọi xe, từ đó đẩy mạnh doanh số sản xuất, phân phối xe điện.
Tuy nhiên, không phải thương hiệu nào cũng có thể trụ vững trước làn sóng ồ ạt của ngành sản xuất xe điện. Một loạt thương hiệu khác như Panda (có sự hậu thuẫn từ Lifan) và chính Lifan cũng đã nộp đơn xin phá sản vào 2020. Panda sau đó được hãng Geely mua lại. Một thương hiệu khác là Maple – từ liên doanh giữa Geely và Lifan – cũng đã dừng hoạt động vào 2022.
Giữa những năm 2010, Trung Quốc tăng cường thúc đẩy việc áp dụng xe điện bằng hệ thống tích lũy thưởng cho các hãng sản xuất ô tô điện và phạt nếu sản xuất xe xăng tiêu hao quá nhiều nhiên liệu.
Một số hãng bắt đầu gian lận bằng cách làm sai lệch dữ liệu hồ sơ về số lượng xe điện sản xuất. Đáng chú ý, họ bắt đầu sản xuất một bộ khung gầm không có pin, hoặc làm ra những chiếc xe với chất lượng pin không đủ tiêu chuẩn. People’s Daily từng ước tính vào năm 2016 rằng cả chục công ty khai khống để nhận hơn 1,3 tỷ USD tiền trợ cấp.
Giới chức trách Bắc Kinh bắt đầu cắt giảm chương trình hỗ trợ trên toàn quốc đối với việc mua xe điện vào năm 2019. Nhiều công ty gọi xe không kịp ứng phó trước sự thay đổi và chấp nhận bị xóa sổ khỏi ngành công nghiệp này.
Thuật ngữ “Nghĩa địa xe điện” hiện không còn xa lạ với người dùng internet và phương tiện truyền thông địa phương tại Trung Quốc.
Nhiếp ảnh gia Wu Guoyong ở Thâm Quyến là một trong những người đầu tiên ở Trung Quốc ghi lại hình ảnh những nghĩa địa xe vào năm 2018. Anh cho rằng những hoang mạc xe như vậy đều là kết quả của chủ nghĩa tư bản không được kiểm soát chặt chẽ. Việc lãng phí tài nguyên, huỷ hoại môi trường sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, gây thiệt hại nặng nề trong tương lai.
Nguồn: Autopro